Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Câu chuyện bí ẩn về hạc trời xuất hiện ở lễ hội An Dương Vương

Đúng ngày Lễ hội Đền Cuông, một con hạc trời xuất hiện bay vào ngôi đền thờ chính. Sau đó, phía bờ biển cũng xuất hiện một con cá voi dạt vào bờ. Người xứ Nghệ tin rằng, những câu chuyện thế sự có độ trùng lặp kỳ lạ là minh chứng cho sự hiện hữu của An Dương Vương và Mỵ Châu.

Hạc trời, cá Voi và sự xuất hiện trùng lặp
Đền Cuông tọa lạc trên một ngọn núi tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An là một di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng và cũng là một danh thắng mà bất cứ ai đã đến sẽ khó quên bởi sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên như thể đã có một sự thoả thuận từ ngàn đời trước giữa tạo hoá và bàn tay con người.
Để tưởng nhớ vị vua đã có công sáng lập nên Quốc gia Âu Lạc, từ ngày từ 14-16/2 âm lịch tại huyện Diễn Châu đã tổ chức Lễ hội đền Cuông 2012.
Ngôi đền này là nơi thờ Thục An Dương Vương, nơi ghi dấu ấn truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy. Lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã ghi công lao to lớn của Thục An Dương Vương, người đã giương cao ngọn cờ cùng nhân dân đánh Tần đuổi Triệu giành độc lập cho dân tộc.
Lễ hội đền Cuông được bắt đầu bằng các Phần lễ: Lễ Khai quang, lễ cáo Thung Thiên, lễ yết cáo, lễ rước vua Thục và công chúa vi hành, lễ đại tế và lễ tạ.
Khi tham gia lễ, các vị trong ban hành lễ phải mặc lễ phục. Lễ phục bao gồm: Áo dài thụng, quần thụng trắng, hia và mũ. Ông chủ tế sẽ mặc lễ phục màu vàng, có hoa văn ở trước và sau khác với các bộ lễ phục khác. Hai ông bồi tế sẽ mặc lễ phục màu đỏ. Những người còn lại trong ban hành lễ sẽ mặc lễ phục màu xanh nhưng có hoa văn trang trí khác nhau để phân biệt.
Lễ hội đền Cuông là sự tri ân của thế hệ hôm nay với những người có công với đất nước, là đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" ngàn đời của dân tộc ta, để các thế hệ nối tiếp nhau phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc.
Theo nhận định của nhiều người dân thì nhìn chung năm nay công tác tổ chức lễ hội của Ban tổ chức so với các năm trước đã khá hơn rất nhiều.
Lật lại những câu chuyện về ngôi đền này, người dân nơi đây vẫn lưu truyền về sự xuất hiện của hạc trời đúng ngày lễ khai mạc vào năm 1995. Năm đó, trong khi mọi người đang nô nức ngắm nhìn màn cưỡi ngựa diễu hành của một nông dân, thì bất ngờ, con hạc to, trắng toát tựa như đại bàng hạ cánh trên tay người cưỡi ngựa.
Hàng ngàn ngươi ngắm nhìn, và hạc cũng liên tục vẫy cánh khoe sắc. Sự kiện này nhanh chóng trở thành câu chuyện thời sự nóng bóng ở xứ Nghệ lúc bấy giờ. Từng dòng người từ miền ngược, miền xuôi đua nhau kéo về Đền Cuông để ngắm hạc và cầu khấn. Đền Cuông trong những ngày Lễ hội năm đó luôn trong tình trạng quá tải.
Đền Cuông, ngôi đền gắn liền với truyền thuyết An Dương Vương
Việc hạc bỗng dưng xuất hiện khiến nhiều người càng tin hơn về chuyện điển tích từ xa xưa. Bởi hạc là loại động vật thường bay ở tầm cao và rất sợ tiếp xúc với con người. Thế nhưng, hạc bỗng dưng xuất hiện đúng vào ngày lễ hội Đền Cuông gây ra rất nhiều lý giải trái chiều, ai cũng cho rằng, đó là Mỵ Châu hóa thân để tham gia Lễ hội cùng mọi người.
Sau đó, hạc được đưa vào đền, cho đậu ở một nơi trang trọng, có không gian thoáng để người người chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, đúng một ngày sau khi Lễ hội kết thúc, hạc cũng chết và điều đó càng ứng nghiệm lý giải của người dân về mối liên hệ giữa con hạc với câu chuyện cổ xưa.
Một cuộc họp khẩn do lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An chủ trì đã được diễn ra tại Diễn Châu, bàn về câu chuyện con hạc. Một số cho rằng, nên chôn cất và lập miếu thờ ngay tại đền. Nhưng về sau, khi đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, hạc đã được mang ra Hà Nội, tiến hành việc ướp xác, và sau đó được đưa vào lồng kính chuyển về Nghệ An.
 Hằng năm, lễ hội Đền Cuông thu hút hàng ngàn người dân thập phương về thắp hương, cầu nguyện
Ngày nay, tại Đền Cuông, xác con hạc vẫn còn y nguyên nằm trong lồng kính, như để người dân khi đến với ngôi đền đều nhớ lại câu chuyên xưa.
Khi mà câu chuyện con hạc, một giống loài động vật cao quý bỗng dưng xuất hiện, khiến người ta liên tưởng đến Mỵ Châu chưa kịp lắng xuống, thì tại Lễ hội Đền Cuông một năm sau đó, ở bờ biển Cửa Hiền, thuộc địa phận xã Diễn Trung (Diễn Châu), phía sau ngôi Đền Cuông huyền thoại, một con cá voi 10 tấn chết dạt vào bờ.
Lúc này, người tham gia Lễ hội ùn ùn kéo về phía bờ biển để thắp hương cầu khấn. Theo lý giải của người dân, biển Cửa Hiền khi xưa là nơi An Dương Vương gieo mình xuống biển, và sau đó, người ta cũng đã lập miếu thờ tại đây. Lý do để người ta tin vào câu chuyện xưa, là bờ biển Cửa Hiền cạn, chuyện cá voi chết dạt vào bờ là ngàn năm có một. Như vậy, ứng nghiệm truyền thuyết xưa, sau khi giết chết Mỵ Châu, An Dương Vương đã gieo mình xuống biển.
Năm 1995, sự kiện Hạc trời xuất hiện ngay trong ngày lễ giỗ An Dương Vương đã thu hút sự quan tâm, hiếu kỳ của rất nhiều người. Có nhiều người tin rằng sự xuất hiện của Hạc là ứng nghiệm với truyền thuyết cố nhân. Ảnh tư liệu
Người dân đinh ninh rằng, hạc về là hiện thân cho Mỵ Châu, và cá voi chết một năm sau đó, dạt vào bờ biển và minh chứng cho cái chết đầy bi thảm của Vua An Dương Vương. Có thể vì vậy mà lễ an táng xác chết của cá voi năm ấy có sự tham gia của hàng trăm ngàn người với đấy những nghi thức trang trọng nhất. Sau đó, ngôi mộ cá voi được người dân ngày ngày hương khói. Khách về tham quan Đền Cuông cũng không quên ghé qua mộ cá voi thắp nén nhang, như để tưởng nhớ đến công ơn của vị vua năm xưa.
Như vậy, sau khi Đền Cuông được tôn tạo và Lễ hội hoạt động trở lại, người dân đã chứng kiến những sự việc có mức độ trùng lặp đến lạ kỳ. Tất nhiên, bóng dáng sau những câu chuyện như hạc về và cá voi chết đều ẩn hiện rất rõ bóng dáng của người xưa. Vì thế mà sau hàng ngàn năm, câu chuyện lịch sử về An Dương Vương và Mỵ Châu vẫn còn nguyên đó giá trị.
Lễ hội Đền Cuông giờ đã được nâng lên một tầm cao mới, với những nghi thức và độ trang trọng không thua kém bất cứ Lễ hội nào khác ở Việt Nam. Và không chỉ người dân Nghệ An mà du khách bốn phương khi qua Đền Cuông, như một phản xạ tự nhiên, đều dừng chân nơi ngôi đền lịch sử này, thắp nén nhang, và hồi ức lại câu chuyện lịch sử thấm đẫm nước mặt về tình yêu, tình phụ tử trong buổi đầu của thời kỳ dựng nước.
Niềm tin về sự hiện diện của Thục Phán An Dương Vương trên quê hương mình thuở xa xưa đã ăn sâu vào tâm khảm những người dân xứ Nghệ. Dù là chuyện làm ăn, dù là chuyện phong tục, dù là để lý giải những hiện tượng kỳ lạ của tự nhiên, họ đều nhìn thấy ẩn hiện phía sau là bóng dáng vị vua huyền thoại ấy...
Truyền thuyết về ngôi đền thờ An Dương Vương
Theo truyền thuyết ấy thì đền Cuông ra đời là để nhân dân thờ phụng vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu. Nhưng thời điểm ngôi đền ra đời thì hiện nay đang có nhiều nguồn tài liệu khác nhau và chưa ai có thể khẳng định chắc chắn được.
 Xác con Hạc vẫn còn y nguyên nằm trong lồng kính, như để người dân khi đến với ngôi đền đều nhớ lại câu chuyên xưa.
Thục An Dương Vương đóng đô ở Cổ Loa, nhưng con cả thì lại vào trấn thủ ở xứ Nghệ. Hoàng tử xây thành ở miền núi phía Tây, nay là huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Nhờ uy danh của vua Thục, các công chúa Mường đều nhất nhất tuân lệnh Hoàng tử, huy động người dân ngày đêm xây thành đắp lũy.
Vào cuối đời Tần, Triệu Đà gốc Hán chiếm cứ Uất Lâm (Quý Huyện – Quảng Tây), Nam Hải (Quảng Châu – Quảng Tây), Tượng Quận (Quảng Tây), lập nước Nam Việt, xưng vương đóng đô ở Phiên Ngung. Triệu Đà mấy lần đem quân sang đánh Âu Lạc nhưng đều bị thất bại nên lập kế cầu hòa. Thục An Dương Vương không những chấp nhận mà sau đó còn gả con gái Mỵ Châu cho Trọng Thủy, con trai vua Triệu Đà.

Trong việc này, Cao Lỗ có can ngăn, nhưng An Dương Vương không nghe mà còn xử tệ. Cao Lỗ sau đó bỏ ra khỏi thành. Trọng Thủy ở trong cung đánh cắp móng nỏ thần về báo vua cha. Triệu Đà cất quân đánh, quân Thục thua to. An Dương Vương lên ngựa cho Mỵ Châu ngồi sau chạy vào Nghệ An với ý đồ tập hợp lại lực lượng, hy vọng sẽ có ngày đem quân trở lại phía Bắc.
Theo truyền thuyết, Diễn Châu (Nghệ An) là nơi lưu truyền vô số các ảnh xạ của truyền thuyết về An Dương Vương. Nơi đây, vị vua này đã kết thúc sự nghiệp hào hùng của mình, nhưng hào quang về sự nghiệp ấy, về con người ấy và ngay cả dư chấn của nỗi uất hận ngàn thu về sự cả tin để “nỏ thần vô ý trao tay giặc/ nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” (thơ Tố Hữu) vẫn còn vang động mãi muôn đời sau.
Đọc lại những mẩu truyện trong dòng truyền thuyết An Dương Vương, có thể thấy rõ đoạn kết là cao trào của bi kịch mất nước, cũng là điểm thắt nút của bi kịch tình yêu. Có lẽ bởi là nơi diễn ra hồi kết nghiệt ngã của cuộc đời những nhân vật lịch sử (mà trước hết cũng là những con người có máu thịt, có tình yêu, có niềm kỳ vọng và có cả những khờ khạo, ngây thơ…) cho nên Diễn Châu (Nghệ An) trở thành một địa danh tỏa phát nhiều ảnh xạ về truyền thuyết An Dương Vương, tiếp nối mạch truyền thuyết này từ địa danh Hòa An (Cao Bằng) và Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).
Và đến nay, với sự biến đổi về thời gian, kiến trúc của ngôi đền đã được những người có trách nhiệm "làm mới" nhưng con Hạc vẫn còn hiện diện như một chứng tích thời gian.
Nhiều bậc cao niên cho biết, đầu tiên vua An Dương Vương được thờ trong một miếu nhỏ ở biển Cửa Hiền. Cửa Hiền là một bãi biển đẹp, nằm cách di tích đền Cuông bây giờ khoảng 3km về phía Đông. Tương truyền đây chính là nơi vua An Dương Vương theo thần Kim Quy cầm sừng tê bảy tấc đi xuống biển nên nhân dân lập miếu thờ. Nhưng từ khi vua mất thì đêm đêm trên núi lại tỏa sáng. Nhân dân cho rằng vua hiển linh về nên đổi tên núi thành Mộ Dạ có nghĩa là ánh sáng trong đêm và lập đền thờ, rước linh vị ngài về thờ cúng.
Như vậy, những cứ liệu dân gian đó cũng không cung cấp cho ta một mốc thời gian chính xác thời điểm ngôi đền ra đời. Theo cứ liệu văn học trong bài thơ “Bạng cấp sa” của Hoàng Giáp Bùi Huy Bích thời Lê - Trịnh để lại có nhắc đến đền Cuông thì chắc chắn đến thời này đền đã tồn tại. Như vậy, không ai biết chắc chắn thời gian ngôi đền ra đời chỉ biết ngôi đền có từ rất xa xưa, trước thời Lê – Trịnh tức là trước thế kỷ XVII.
Ông Cao Ngọc Xuân – Trưởng BQL di tích Đền Cuông cho biết: Vào đời vua Gia Long, lúc mới lên ngôi (1802) đã cho tu sữa lại ngôi đền này. Năm Giáp Tý, niên hiệu Tự Đức (1864), Đền Cuông tiếp tục được trùng tu lại và từ đây Lễ hội Đền Cuông được phong làm quốc tế, hiện còn chữ khắc ở ván ấm nhà hạ điện. Sau lần tu bổ đó, kiến trúc đền về cơ bản giống như ngày hôm nay.

Ban tổ chức hội Lim, hội đền Trần lo sốt vó

hèn ép, giẫm đạp, ùn tắc… đã là những hình ảnh quen của các lễ hội đầu năm. Ít ngày nữa, Hội Lim (Bắc Ninh), Lễ hội đền Trần (Nam Định) sẽ khai mạc và BTC của các địa phương đang lo ngay ngáy.

Nỗi lo “cướp ấn”
Được quan tâm nhiều nhất và luôn là “điểm nóng” trong mùa lễ hội là lễ phát ấn đền Trần. Mặc dù ban tổ chức (BTC) năm nay đã lên một kịch bản hoàn toàn mới để giảm tải nạn ùn tắc nhưng dường như những phương án đưa ra chỉ để giải quyết tình thế.
Bà Cao Thị Tính- Phó Chủ tịch UBND TP.Nam Định cho biết: “Số lượng lá ấn phát ra tại Lễ khai ấn đền Trần 2012 sẽ không hạn chế và phục vụ tối đa nhu cầu của người dân cho tới hết tháng Giêng”.
Theo kế hoạch mới, năm nay Lễ hội đền Trần sẽ không phát ấn cho người dân vào đêm 14 tháng Giêng mà chỉ tổ chức các nghi lễ rước kiệu ấn, khai ấn nghi thức trong đền. Vào đêm 14 tháng Giêng, từ 20 giờ 30, BTC sẽ làm công tác chuẩn bị lễ.
Từ 21 giờ 40 đến 22 giờ 10 sẽ diễn ra lễ dâng hương do UBND TP.Nam Định chủ trì. Từ 22 giờ 10 đến 23 giờ là nghi lễ rước kiệu ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường. Từ 23 giờ đến 23 giờ 30, BTC sẽ làm lễ khai ấn theo nghi thức cổ truyền và chỉ có 11 lá ấn được đóng. 3 giờ sáng 15 tháng Giêng sẽ là lễ hồi kiệu ấn về đền Cố Trạch. Việc phát ấn sẽ được tổ chức từ 7 giờ sáng hôm sau cho đến hết tháng Giêng và người nhận ấn không phải trả tiền.
 
Tình trạng chen lấn, giẫm đạp tại Lễ hội đền Trần Nam Định đã xảy ra nhiều năm.
Để tránh tình trạng người dân phải chen nhau xin ấn, trong khu vực đền, BTC sẽ chia thành 5 điểm phát ấn, BTC cũng sẽ không làm lồng sắt như năm 2011 để tránh gây phản cảm. Sẽ có 2 bãi đỗ xe với sức chứa 2.000 ô tô đã được nâng cấp hoàn chỉnh; các bãi đỗ xe máy, xe đạp cũng đã hoàn tất về cơ sở vật chất và phương án tổ chức trông giữ, giá vé…
Công an TP.Nam Định sẽ thực hiện chỉ đạo phân luồng giao thông từ các hướng cách khu vực diễn ra lễ hội 2 km vào những ngày trọng điểm. BTC cũng đã có phương án phối hợp với lực lượng chức năng triệt phá các hoạt động cờ bạc trá hình, hành khất…
Anh Nguyễn Văn Hùng (phường Lộc Vừng, TP.Nam Định) cho biết: “Tôi sống ngay gần khu vực đền Trần, thấy thông báo sẽ chuyển giờ phát ấn nhưng với tâm lý của người dân mình, ngày khai hội bao giờ cũng phải chen nhau để đi, chẳng ai đợi đến một vài ngày sau nên dù thay đổi giờ phát ấn vào lúc nào đi chăng nữa thì tình trạng quá tải chắc chắn sẽ xảy ra”.
Nhiều người cũng lo ngại, việc bỏ lồng sắt mặc dù tạo nên một hình ảnh mới có mỹ quan hơn, nhưng nếu công tác an ninh trật tự không tốt, người dân đi hội thay vì xin ấn sẽ chuyển sang... cướp ấn.
Chưa có lời giải
Thực tế, các giải pháp để giảm thiểu thấp nhất những vấn nạn trong mùa lễ hội luôn là bài toán chưa có lời giải cho các BTC. Tâm lý của người đi hội, ai cũng muốn được thắp hương, cầu khấn xin tài lộc chứ không chỉ đi chơi hội nên đã kéo theo nạn ùn tắc, chen lấn.
Ban tổ chức cho biết, Hội Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) năm nay được tổ chức trong 2 ngày 3 và 4.2.2012 (tức ngày 12 và 13 tháng Giêng âm lịch) tại các xã Nội Duệ, Liên Bão và thị trấn Lim; trong đó trung tâm lễ hội vẫn là đồi Lim.
Ông Nguyễn Quang Nhị - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo TP.Bắc Ninh và ban quản lý di tích nghiêm túc rút kinh nghiệm những mặt chưa làm được, nhưng chắc có lẽ tình trạng xô bồ vẫn sẽ diễn ra. Không chỉ nạn ùn tắc mà còn khá nhiều vấn nạn chỉ việc chèo kéo du khách, mời viết sớ, mua vàng mã, tình trạng khấn thuê ngay trong đền cũng khiến nhiều người bất bình. Lượng người đi hội thì quá đông, các cơ quan tổ chức thực sự khó mà quán xuyến nổi. Trước mùa lễ hội, chúng tôi thực sự rất lo lắng”.
Ông Nguyễn Văn Vấn - Trưởng Công an huyện Tiên Du, đơn vị phụ trách công tác an ninh tại Hội Lim chia sẻ: “Năm nào chúng tôi cũng phải đối mặt với nạn ùn tắc cùng nhiều phản ánh của du khách về nạn trộm cắp, móc túi tại lễ hội. Năm nay, chúng tôi sẽ tăng cường các lực lượng ngầm ngoài các chốt để ngăn ngừa tình trạng này nhưng nói thực là rất khó vì lễ hội càng có nhiều hoạt động vui chơi thì người đi trẩy hội càng mất cảnh giác khiến bọn trộm cắp lộng hành”.
Việc tuyên truyền về giá trị văn hóa trong các lễ hội chưa được làm tốt cũng là lý do làm gia tăng tình trạng quá tải đang diễn ra trong các lễ hội.
Ông Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam bày tỏ: “Lá ấn đền Trần được nhiều người “mặc định” là giúp cho người có nó “thăng quan tiến chức”.
Nhưng sau một thời gian nghiên cứu, tham vấn ý kiến nhiều nhà khoa học, tôi thấy rằng, lá ấn tại đền Trần chỉ có tính chất là cầu an, chứ hoàn toàn không có giá trị “thăng quan tiến chức” như nhiều người vẫn tưởng. Các cơ quan truyền thông phải vào cuộc nhiều hơn tuyên truyền cho người dân biết điều này để góp phần giảm bớt sự quá tải cho lễ hội”.

3 ông cá thần đền Giếng ngạt thở bởi... tiền lẻ

Di tích giếng Ngọc - đền Cùng tại làng Diềm, Viêm Xá, Hòa Long, TP Bắc Ninh từ lâu đã nổi tiếng bởi dòng nước mạch ngọt mát và 3 “ông” cá nghìn tuổi. Nhưng 3 “ông cá thần” này đang có nguy cơ bị “bức tử” bởi tiền lẻ du khách ném xuống.

Những ngày đầu xuân mới Nhâm Thìn, hàng nghìn du khách và người dân địa phương đã đổ về di tích đền Giếng (giếng Ngọc - đền Cùng) tại làng Diềm cùng nhau xin lộc nước giếng Ngọc và chiêm bái 3 “ông cá thần” nghìn tuổi.

Du khách và người dân địa phương rải tiền lẻ và lấy nước giếng Ngọc uống để xin lộc đầu năm.

Lâu nay, làng Diềm đã nổi tiếng khắp trong ngoài nước bởi đây là mảnh đất phát tích ra điệu hát quan họ, di sản phi vật thể của nhân loại. Một điều đặc biệt là người làng Diềm, nhất là các nghệ nhân quan họ làng Diềm, vẫn giữ nếp xưa là pha trà và uống nước giếng Ngọc bởi ai cũng tin rằng chính nguồn nước mạch ngầm không bao giờ cạn của giếng Ngọc đã mang lại giọng hát quan họ ngọt ngào cho họ.

Giếng Ngọc là một giếng nước rộng chừng 20m2, sâu 8m, có đáy là lớp đá ong tự nhiên. Từ lòng giếng, mạch nước ngầm trào ra không bao giờ cạn. Tại giếng Ngọc, theo truyền thuyết có 2 nàng công chúa con vua Lý Thánh Tông tên Tiên Dung và Thủy Tiên cùng với người hầu cận đã hóa thân thành 3 “ông cá thần” để phù giúp người dân trong vùng. Chính vì vậy, du khách và người dân địa phương nườm nượp đổ về đền Giếng để cầu may.
Một "ông cá thần" ngoi lên thở giữa những đồng tiền lẻ trôi dập dềnh.
Nhưng mặc cho tấm biển nhắc nhở không đi giày dép xuống các bậc của giếng Ngọc, du khách vẫn tranh nhau lội xuống giếng múc nước. Không chỉ vậy, dù hòm công đức đã được BQL khu di tích đặt ngay tại giếng Ngọc nhưng du khách vẫn ào ào thả tiền lẻ xuống giếng, nhiều đến độ BQL phải cắt cử người liên tục vớt tiền vẫn không xuể. Ba “ông cá thần” dường như không còn chỗ thở.
BTC phải bố trí người túc trực nhặt tiền lẻ liên tục nhưng không xuể
Ông Trần Văn Đố, thành viên BQL di tích đền Giếng cho biết: Chỉ ngưng vớt một lúc là cả miệng giếng ngập kín tiền lẻ. Nhiều khi tiền lẻ ngấm nước chìm sâu xuống đáy giếng trông rất phản cảm. Dù BTC đã đặt hòm công đức và nhắc nhở thường xuyên nhưng nhiều du khách thiếu ý thức vẫn tin rằng phải thả tiền xuống giếng Ngọc mới thiêng. Chính vì vậy, ngoài việc thu nhặt tiền lẻ bằng tay, BTC còn phải dùng cả gáo mắc vào cán dài vớt, có khi cũng kinh động đến 3 “ông cá thần”.
Dưới đây là một số hình ảnh PV Dân trí ghi nhận cảnh 3 “ông cá thần” có nguy cơ “ngạt thở” bởi tiền lẻ tại đền Giếng:
Người dân làng Diềm tin rằng nước giếng Ngọc đã giúp tạo nên giọng hát quan họ ngọt ngào.
Tiền lẻ rải khắp nơi.

3 "ông cá thần" có nguy cơ "ngạt thở".

Dù sợ làm kinh động đến 3 "ông" cá thần, nhưng BQL vẫn phải dùng sào vớt tiền lẻ trên mặt giếng.

Tấm biển cấm thả tiền lẻ bên thành giếng đã mờ dần.

Dù khách tập trung đông kín xung quanh giếng Ngọc cầu may.

Lên gò Thì Thùng xem nông dân đua ngựa

Đến hẹn lại lên, mùng 9 tháng Giêng, đông đảo người dân xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên lại nô nức tham gia lễ hội đua ngựa độc nhất vô nhị của cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Trước đó trên địa bàn tỉnh Phú Yên xuất hiện mưa vừa khiến cho nền đất đỏ bazan bị ảnh hưởng, tưởng như lễ hội sẽ bị hoãn lại nhưng từ ngày mùng 8 Tết mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Đoàn ngựa diễu hành, đoàn ngựa đua và các kỵ sĩ nông dân đã tập duyệt trước ngày khai hội.
Ganh đua từng mét.
Để chuẩn bị hội thi đua ngựa các kỵ sĩ tham gia phải tập luyện trước đó cả nửa tháng. Những kỵ sĩ tuổi đời đôi mươi lần đầu tiên tham gia thậm chí còn luyện tập cả tháng để theo kịp các tay đua chuyên nghiệp từng tham gia giải qua nhiều năm.
Được biết, năm nay có 32 chiến mã tham gia với 5 đội đua thuộc các xã An Xuân, An Lĩnh, An Thọ, An Hiệp, An Cư (huyện Tuy An). Vận động viên lớn tuổi nhất là ông Nguyễn Văn Cai (60 tuổi) của đội xã An Hiệp, vân động viên nhỏ nhất là em Trần Văn Phúc (14 tuổi) của đội xã An Xuân.
 
Về đích...
Em Phúc chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tham gia giải đua ngựa nên em phải luyện tập trước cả tháng. Những ngày đầu bị té suốt, đau lắm nhưng té nhiều thành quen, giờ thuần thục rồi. Hôm nay em sẽ cố gắng hết mình để theo bậc đàn anh, nếu có giải thì càng vui hơn”.
Cuộc đua diễn ra với 3 vòng: vòng 1 tám lượt, mỗi lượt bốn chiến mã; vòng 2 lấy 8 chiến mã nhất của vòng 1, thi đấu hai lượt, mỗi lượt 4 chiến mã; vòng ba lấy 4 chiến mã nhất để vào chung kết.
 
Khán giả theo dõi
Sau hơn 3 giờ thi đấu, giải nhất (1 triệu đồng), giải nhì (700.000 đồng) đều thuộc về đoàn xã An Xuân, cùng 24 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 100.000 đồng phân đều cho các đội. Tuy phần thưởng không lớn nhưng mọi người tham gia đều hào hứng tham gia với tinh thần vui là chính.
Hội đua ngựa hàng năm được tổ chức cũng là dịp để những người những nông dân họp mặt cùng giao lưu, góp thêm hương vị ngày tết ở các xã miền núi.

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Cùng cộng đồng nhìn lại lễ hội Việt Nam

Những bát nháo tại các lễ hội lại là câu chuyện dài nhức nhối. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các nhà quản lý và chuyên gia về một vấn đề nóng bỏng trong sinh hoạt văn hóa hiện đại: lễ hội và ứng xử với lễ hội.


Thịt tươi sống bày bán công khai trước cổng chùa Hương ngày khai hội năm nay - Ảnh: Hà Hương

TS Lê Thị minh Lý nhiều năm là cục phó phụ trách bộ phận văn hóa phi vật thể của Cục Di sản, là một trong những chuyên gia và nhà đàm phán của VN tại các kỳ xét duyệt di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Hiện bà là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa VN do GS Nguyễn Văn Huy sáng lập và điều hành. Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với bà.
* Một vài năm gần đây xuất hiện kiểu “lễ hội phục dựng” và cũng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Những lễ hội này được quảng bá tốt và thực hiện hoành tráng dưới bàn tay của một đạo diễn. Với một đất nước có hơn 7.000 lễ hội như Việt Nam, liệu việc “vẽ” thêm những lễ hội khác có cần thiết hay không?
- Tôi thuộc số các nhà nghiên cứu, chuyên gia không đồng tình với việc “phục dựng lễ hội”, nhất là việc phục dựng đó còn kèm theo nhiều yếu tố được coi là “sáng tạo” mới, mà những “sáng tạo” đó không gắn bó gì với cộng đồng. Chúng ta đã có những nghi thức, lễ hội phục dựng thí điểm như lễ cày tịch điền, lễ hội đền Lảnh Giang... Phản ứng từ các nhà nghiên cứu và từ cộng đồng có thể là cơ sở đánh giá tương đối chính xác để các nhà quản lý văn hóa đi đến kết luận thí điểm có thành công hay không, có nên tiếp tục đổ tiền vào công việc phục dựng chúng hay không.
Tuy nhiên, lễ hội dân gian hiện đại là một vấn đề hoàn toàn khác, chúng không thể bị loại trừ, thậm chí rất cần thiết cho cuộc sống. Một ví dụ sống động về lễ hội dân gian hiện đại là lễ hội dân gian Smithsonian của Mỹ. Nhu cầu xã hội là yếu tố cơ bản dẫn đến sự ra đời và tồn tại của lễ hội này. Điểm mấu chốt của lễ hội này là phục vụ chính cộng đồng người Mỹ, chứ không nhằm thu hút và phục vụ khách du lịch.
Bà Lê Thị Minh Lý - Ảnh: Thu Hà

* Bà nghĩ sao về nhiều ý kiến cho rằng nên coi lễ hội là một sự kiện, và những người tổ chức cũng phải là những nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp?
- Xã hội cần các nhà tổ chức sự kiện, và lễ hội có lẽ cũng cần bàn tay tổ chức chuyên nghiệp. Nhưng theo tôi, họ chỉ nên là các nhà cung ứng dịch vụ, thực hành ý tưởng của nhà quản lý và nhà nghiên cứu chứ không phải “khoán trọn gói” cho công ty tổ chức sự kiện như những sự kiện đơn thuần.
* Chúng ta nói nhiều đến cụm từ “trả lễ hội về cho nhân dân”. Nhưng cũng có ý kiến từ một số chuyên gia về lễ hội cho rằng nếu để người dân tự làm, họ sẽ thêm thắt, học mót từ nơi khác để dựng nên một lễ hội không còn nguyên bản và màu mè không cần thiết. Vậy theo bà, nên “trả lễ hội về cho nhân dân” ở mức độ nào, sự can thiệp của các cơ quan văn hóa đến đâu trong tiến trình lễ hội?
- Ở ta có một vấn đề là các lễ hội nói chung và các di sản phi vật thể nói riêng đã mai một rất nhiều do không được thực hành thường xuyên, thậm chí có những giai đoạn bị gián đoạn không thực hành, nhất là từ năm 1954-1986, rất nhiều lễ hội bị mai một. Cho nên khi chúng ta thực hành trở lại thì đã xuất hiện rất nhiều vấn đề.
Khía cạnh thứ hai là cũng do tập quán xã hội. Mà nói đến tập quán xã hội là phải thường xuyên. Tập quán xã hội đứt quãng thì bây giờ người ta nghĩ ra nên làm cái này nên làm cái kia mà ta hay gọi là học mót hay vay mượn. Nhiệm vụ chúng ta là phải giúp cộng đồng nhìn lại những cái thực hành của họ để xem xét cái gì của chính họ, còn cái gì là của cộng đồng khác được giao thoa văn hóa, hội nhập vào theo khía cạnh tích cực. Cái gì là vay mượn và học đòi. Nó có nhiều lắm, không chỉ riêng lễ hội đâu, ngay cả trong việc trang trí di tích cũng thế, rất nhiều đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy mà mình cảm thấy đó không phải là không gian của người Việt. Nó bị Trung Quốc hóa hoặc quá hiện đại, màu mè theo phong cách mới. Đó không phải là sự sáng tạo mà là cóp nhặt, thiếu sự hiểu biết sâu xa về văn hóa. Như là câu chuyện đèn lồng đỏ, trước đây trong đền chùa mình không có, hay là những bức tượng rất to để xác lập kỷ lục...
Ông Tô văn Động (chánh văn phòng Bộ VH-TT&DL):
Đừng vì mục tiêu tăng trưởng du lịch
Bộ VH-TT&DL vẫn kiên trì với quan điểm áp dụng song song và lâu dài hai biện pháp để quản lý lễ hội: tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong cộng đồng và xử lý nghiêm những vi phạm của địa phương, tổ chức hay cá nhân tại các lễ hội. Mùa lễ hội này công tác kiểm tra, giám sát càng được thực thi nghiêm túc và chặt chẽ hơn. Nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, tuyên truyền giáo dục vẫn là giải pháp cơ bản nhất, tổ chức có tốt đến mấy, chế tài có nghiêm đến mấy mà bản thân người tham gia lễ hội chẳng biết vì sao mình tham gia, không biết lễ hội này có ý nghĩa gì, đi về không thấy thêm được chút kiến thức nào hoặc không cảm thấy thanh thản thì mục đích sâu xa của lễ hội coi như thất bại.
Mặt khác, tôi tán thành ý kiến của nhiều chuyên gia về văn hóa là phải bình tĩnh và chọn lọc trước sự cám dỗ của việc hút khách du lịch đến với lễ hội. Mục đích nguyên thủy của lễ hội là phục vụ cộng đồng, và lễ hội tồn tại được lâu bền là nhờ sức sống của cộng đồng bản địa, không nên chỉ vì thu hút khách thập phương theo thời vụ ngắn hạn mà quảng bá quá mức về lễ hội. Nhiều địa phương vì mục tiêu tăng trưởng du lịch nên luôn cố gắng mở những lễ hội giới thiệu bản sắc dân tộc trong vùng miền của mình để kéo khách đến, thực tế cho thấy ngoài một số ít thành công như Quảng Nam, Đà Nẵng... còn hầu hết là gây hiệu ứng ngược: khách đến không chi tiêu gì, mất an ninh trật tự, cuộc sống cộng đồng bị xáo trộn.Và đó là sự mất mát lớn nhất.
Tư duy “thành tích”
Từ khoảng mươi năm nay “nở rộ” việc phục hồi và khuếch trương cả về quy mô và ý nghĩa nhiều lễ hội xưa. Sự phục hồi và khuếch trương này làm tăng thêm số lượng lễ hội, phần nào đáp ứng nhu cầu của các địa phương về tăng số lượng di sản văn hóa (tương ứng là phong trào công nhận di tích lịch sử - văn hóa các cấp từ địa phương đến quốc gia). Việc phục hồi, khuyếch trương lễ hội cũng có thể thỏa mãn “thành tích bảo tồn di sản văn hóa” nhưng thật sự đã làm mất sự độc đáo, đa dạng và nhất là làm biến dạng ý nghĩa đích thực của lễ hội khi những yếu tố thực dụng “hiện đại” xuất hiện trong cả phần lễ và phần hội. Lễ hội Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) và lễ khai ấn đền Trần là hai ví dụ điển hình.
Phải chăng thay vì “Nhà nước tạo điều kiện duy trì và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống; bài trừ các hủ tục và chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức và hoạt động lễ hội” như điều 25 của Luật di sản văn hóa quy định, thì hầu như lễ hội nào cũng do chính quyền xã, huyện, tỉnh tổ chức từ nghi lễ đến dịch vụ của hội. Thậm chí dưới danh nghĩa “xã hội hóa các hoạt động văn hóa”, “phục vụ du lịch”... đã có xu hướng mỗi năm tổ chức hoành tráng, phô trương hơn để có thể nâng cấp lễ hội địa phương thành lễ hội quốc gia, để theo đó quy mô và kinh phí ngày càng lớn hơn, trong đó kinh phí nhà nước là không hề nhỏ.
Tư duy “thành tích” trong việc bảo tồn di sản văn hóa, mục đích tổ chức lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu danh, lợi không chính đáng và cách thức khai thác giá trị kinh tế của lễ hội... Chỉ khi nào khắc phục được những điều đó thì lễ hội mới thật sự là của cộng đồng, mới thật sự bảo tồn được những giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa. 

Giáo dục ý thức lễ hội

 Trong mắt một đứa trẻ lớp 3, Văn Miếu - trường đại học đầu tiên của Việt Nam - ngập trong rác thải và tiền lẻ. Tiền lẻ trên đầu rùa, phủ trắng mái nhà Thái Học, còn những người đi chơi Văn Miếu hồn nhiên vừa ăn vừa xả rác xuống sân. Cái sự cầu học hành chưa thấy đâu nhưng sự nhọc nhằn và những chuyện phản cảm thì ám ảnh mãi đầu óc một cậu bé mới chỉ học lớp 3.

Tiền lẻ rải đầy mái nhà Thái Học ở Văn Miếu, Hà Nội - Ảnh: Trịnh Minh Đức ( một học sinh lớp 3 chụp khi đi chơi Văn Miếu cùng mẹ )

Không ít người đã vui sớm khi thấy dòng người đổ về Văn Miếu mỗi dịp đầu năm. Nhưng càng đông thì càng nhếch nhác. Những bia tiến sĩ ở Văn Miếu nhiều năm trước đây không có rào chắn, cũng không nhiều tiền lẻ như bây giờ. Phản cảm đến mức dù đến Văn Miếu mà nhiều người tay lăm lăm một xấp tiền lẻ, nhét ở mọi nơi, từ đầu rùa đến bàn thờ, rải trắng cả mái nhà Thái Học.
Hài hước hơn là hình ảnh một phụ nữ trẻ cùng cô con gái ngang nhiên đốt vàng mã ngay trong nhà Thái Học. Người mẹ cứ hồn nhiên đốt, cô con gái đứng “canh” bảo vệ. Bảo vệ cũng chỉ xuất hiện, nhắc nhở và...đứng xem, còn người phụ nữ thì nài nỉ: “Anh để em đốt nốt”. Rồi số vàng mã cũng đốt hết góp chung vào không gian mù mịt khói hương của Văn Miếu ngày đầu năm.

Chị Điệp - một du khách - bức xúc: “Nhiều gia đình thiếu ý thức đến nỗi bố mẹ cứ xúi con chạy vào sờ đầu rùa, đặt tiền để chụp ảnh. Có người còn bảo con:" cứ vào đi, người ta vào được, nhà mình cũng vào được”. Cứ một gia đình bốn người, bố mẹ mắt trước mắt sau trông bảo vệ để con nhảy vào tạo dáng chụp hình. Một nhà nghiên cứu văn hóa than thở: “Cứ nói là phải giáo dục ý thức lễ hội. Tuy nhiên với kiểu bố mẹ dạy con thế này thì nhiều năm nữa lễ hội vẫn xấu xí, thậm chí ngày càng tệ hơn nữa!”.

Hàng hiệu chạy đua “ăn theo” năm Rồng

Sau đây, xin điểm qua một số dòng sản phẩm hạng sang gây sốt thời gian này:
1. Giày thể thao Nike



Cận cảnh đôi giày thể thao Air Jordan, mẫu giày có biểu tượng rồng được trang trí ở trên lưỡi giày
2. Áo khoác

Chiếc áo khoác Destroyer (kẻ hủy diệt) với biểu tượng rồng được thêu phía trong. Mẫu áo này được bán đơn chiếc hoặc cùng một cặp với một đôi giày Air Force với giá tầm 790 USD.
3. Đồng hồ Piaget

Không gì sang trọng hơn những sản phẩm của Piaget.
Hồi tháng 12 vừa rồi, hãng này đã tung ra mẫu đồng hồ siêu sang mang tên “Drangon and Phoenix” (Long Phụng), mang trên mình gần 9 carat kim cương với mức giá khủng 376.000 USD.
4. Máy pha cà phê

Hai tập đoàn lớn Shanghait Tang và Nestle’s Nespresso mới đây đã “bắt tay” nhau để cho ra loại sản phẩm máy pha cà phê có mang biểu tượng rồng Trung Hoa. Mẫu mã này được sản xuất với số lượng có hạn, mức giá 3.888 đô la Hồng Kông (tầm 500 USD).

5. Bộ ấm chén

Bên cạnh máy pha cà phê, hai tập đoàn này cũng đã cùng nhau cho ra bộ sản phẩm cốc chén cũng với biểu tượng rồng trên mình.
6. Bộ phụ kiện Dunhill

Những chiếc khuy áo tinh xảo mang hình rồng Trung Hoa được làm bằng bạc cao cấp xứng đáng là những sản phẩm tuyệt vời nhất trong bộ sản phẩm chào đón năm con rồng. Dunhill rao bán chúng với giá 280 USD kèm với một chiếc cà vạt, một móc chìa khóa, một móc điện thoại.
7. Xe Rolls-Royce

Rolls-Royce vừa bán hết những mẫu xe dòng Phantom LWB (trục cơ sở kéo dài) phiên bản đặc biệt dành cho năm rồng. Hãng này đang xem xét việc sản xuất thêm để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Với giá khởi điểm là 1,2 triệu USD, chiếc xe nổi bật với hình con rồng được trang trí trên ghế ngồi và đường kẻ chạy dọc thân xe. Bốn bậu cửa cũng có dòng chữ “Year of the Dragon” gắn đèn LED.

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

Đầu năm đi chợ choảng nhau

Như thường lệ, cứ đến sáng mồng 6 Tết Âm lịch hàng năm, chợ Chuộng lại được họp trên một bãi đất bồi ven đê sông Hoàng thuộc xóm Giang của xã Đông Hoàng (Đông Sơn). Đây là nơi giáp ranh giữa 3 huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa và Triệu Sơn và thu hút khá đông người dân và du khách thập phương tham dự.

Với người dân nơi đây, đến tham gia phiên chợ Chuộng đầu năm họ sẽ trút bỏ những xui xẻo và gặp được nhiều may mắn trong năm mới. Cũng vì vậy, mà ông bà xưa vẫn truyền miệng nhau: “Chết bỏ con, bỏ cháu/Sống không ai bỏ mồng 6 chợ Chuộng”, họ tâm niệm, nếu ai bỏ lỡ phiên chợ Chuộng thì cả năm ấy làm ăn thất bát, gặp nhiều rủi ro. Như thành một phong tục, cứ mồng 6 Tết, già trẻ, gái trai khắp nơi trong vùng lại tìm đến chợ Chuộng để cầu may. Con cháu ở xa về ăn Tết vẫn thường nán lại đi phiên chợ.

Năm nay tiết trời tại Thanh Hóa khá lạnh giá và có mưa phùn, tuy nhiên không vì thế mà chợ Chuộng thưa thớt người. Từ sáng sớm, phiên chợ đã tấp nập người ra vào, càng về trưa lại càng đông. Chợ không buôn bán những hàng hóa đắt giá gì ngoài những món ăn hay đồ chơi dân gian do người dân tự làm ra. Chợ Chuộng còn là nơi họ gặp nhau tâm tình, trò chuyện đầu năm, mọi người quây quần thưởng thức những món bánh, bát phở hay mua một vài món đồ chơi dân gian tặng nhau.

Ngày này cũng là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu thảo đồi với cha mẹ, ông bà. Bởi vậy sau mỗi phiên chợ người ta thường mua bánh hay trái cây ngon nhất về biếu ông bà và chuẩn bị thức ăn cho bữa trưa ấm áp, quây quần bên gia đình.

Một điều đặc biệt nhưng không lạ ở phiên chợ là năm nào cũng có xô sát, đánh nhau giữa thành niên vùng này với vùng khác. Chợ Chuộng là nơi mà người ta có thể chứng kiến cảnh trai gái đuổi đánh nhau công khai hay cảnh những tốp thanh niên cầm trên tay túi cà chua hay trứng thối ném vào thanh niên làng khác.

Tuy nhiện, những năm gần đây chợ Chuộng đang dần biến tướng trở thành nơi “giải quyết” thù hằn, mâu thuẫn. Trao đổi với PV, ông Lê Đức Bạn, Trưởng công an xã Đông Hoàng , huyện Đông Sơn cho biết: "Phiên chợ Chuộng ở đây có nguồn gốc từ xa xưa và do người dân tự phát họp. Mấy năm gần đây chợ xảy ra rất nhiều vụ ẩu đả, đánh nhau nghiêm trọng khiến chính quyền địa phương phải huy động hết anh em làm công tác bảo vệ an ninh phiên chợ”.

Tại những khóc khuất của chợ, cứ gần tan tầm cảnh những toán trai làng này với trai làng khác rượt đuổi đánh nhau công khai, những trận “mưa đá” khiến không ít người đi chợ cũng bị vạ lây. Khi hỏi về nguyên nhân, một nhóm thanh niên xã Đông Hoàng chia sẻ thẳng thật: “Nếu trai làng ở địa phương này với địa phương khác có thắc mắc, thù hằn gì thì cứ "để dành" đến mồng 6 chợ Chuộng rồi giải quyết”. Thế nên, nhiều người đã lợi dụng điều đó để giải quyết những mâu thuẫn, thù hằn cá nhân.

Khi chúng tôi tỏ vẻ hơi lo lắng vì người ở xa về chơi chợ Chuộng thì anh Hùng, một thanh niên Thiệu Lý cười nói: “Các anh an tâm, tuy là chợ đánh nhau nhưng không ai đánh người lạ đâu. Chủ yếu là thanh niên mấy làng lân cận có mâu thuẫn từ lâu nên năm nào cũng xảy ra đánh nhau”.

Càng về trưa, khi phiên chợ đang dần tan người thì những vụ đánh nhau càng nhiều, tập trung ở ven bờ sông. Dù trời lạnh buốt nhưng không ít thanh niên phải lao mình xuống sông để thoát cảnh rượt đuổi nhau. Theo lời kể lại của nhiều người dân, những năm trước cũng đã xảy ra chết người.

Về nguồn gốc của phiên chợ Chuộng, cụ Thành, một cao niên xã Thiệu Lý nhớ lại: "Vào thời Lê, đúng vào ngày mồng 6 Tết, có một vị tướng bị giặc đuổi chạy qua đây, để tránh bị địch phát hiện, vị tướng ra lệnh quân sỹ cùng dân làng họp chợ. Khi quân địch đến tưởng đó chỉ là một phiên chợ quê bình thường, không đề phòng, cảnh giác. Lúc vị tướng phát lệnh dân làng tấn công, quân địch bất ngờ không kịp trở tay và bị giết sạch. Và cũng từ đó, cứ mồng 6 Tết người dân lại nô nức đến chợ để tưởng nhớ vị tướng có công giúp dân giết giặc".

Khoảng 11h trưa khi gần tan phiên chợ, cảnh thanh niên các làng rượt đuổi đánh nhau càng nhiều hơn. Một nhóm thanh niên xã Thiệu Lý tiếp tục chặt thêm gậy tre cùng với dao, kiếm đã chuẩn bị sẵn để “phòng thân” những trận vây đánh lúc tan chợ.

Bên kia sông, nhóm thanh niên huyện Triệu Sơn cố thủ ở cầu sông và sẵn sàng “tiếp khách”. Cuối chợ liên tục xảy ra tình trạng đánh lộn, trong đó nhiều toán thanh niên dùng dao kiếm đuổi đánh nhau, nhiều người phải bơi qua sông về để mong thoát nạn.

Ông Bạn cũng cho biết thêm, mặc dù đã kiểm soát hết sức chặt chẽ và thu giữ vũ khí của thanh niên mang theo từ cổng chợ nhưng vẫn không tránh khỏi những vụ ẩu đả bất ngờ xảy ra.
Những hình ảnh PV Dân trí ghi lại tại phiên chợ Chuộng năm Nhâm Thìn:

 Mang theo cả dao để phòng thân.

Cà chua và táo là hai thứ không thể thiếu tại phiên chợ Chuộng.
Một cô gái phát khóc vì bị ném quá nhiều cà chua và trứng vào người.
 Phía góc chợ liên tục xảy ra xô xát.

 Một vụ đánh nhau lộn trên bờ đê.

Và nhóm thanh niên làng rượt đánh nhau.
 Góc cuối chợ là những "chiếu bạc" công khai.

Món bánh đa gấc là đặc trưng của vùng quê.
Đi chợ mua rau chuẩn bị cho bữa trưa họp gia đình sau phiên chợ.
Toàn cảnh phiên chợ Chuộng với hàng ngàn người tham gia.
Cây cầu tạm bắc qua sông giữa huyện Triệu Sơn và Đông Sơn để người dân qua chợ.
Màn ném cà chua, táo luôn sôi động tại phiên chợ.
Chợ càng về trưa càng đông người và cũng là lúc những vụ xô xát nhau bắt đầu diễn ra nhiều.

Lễ hội chém lợn Tiên Du Bắc Ninh

Đã từ hơn chục năm nay, lễ hội chém lợn của làng Ném Thượng (Tiên Du, Bắc Ninh) luôn để lại những luồng ý kiến khác nhau về về tục lệ này; đặc sắc, truyền thống nhưng quá dã man, đầy hủ tục…

Nhưng nói gì thì nói, người dân Ném Thượng vẫn coi đây là một nhu cầu, một tục lệ được chấp nhận một cách thành kính tại làng quê này…
Ném Thượng giờ đây đã thay đổi nhiều, người dân ngoài việc trồng lúa, làm bún… giờ đã có thêm những công việc mới trong các khu công nghiệp quanh vùng. Sự thay đổi trong cuộc sống mới những vẫn có những vẫn giữ những nếp cũ được duy trì; nơi hậu điện đình làng, bước chân phụ nữ không được lai vãng, nhưng bù lại, hội chém lợn có một đặc điểm mà không phải lễ hội nào cũng có; dẫn đầu đoàn rước là cờ Tổ quốc và chân dung Bác Hồ…

Người Ném Thượng vẫn phân biệt vị trí ngồi của Nam/Nữ trong đình

Ảnh Bác Hồ được chuẩn bị cho đám rước

Những người tham gia vào lễ rước được chọn lựa khá kỹ;
gia đình nền nếp, con cái ngoan ngoãn, trưởng thành...

Ông Ỉn được nuôi cả năm trời nặng hơn một tạ chuẩn bị được đưa rước quanh làng


... Được cưng chiều bởi các cô gái trẻ


... Hay các bậc già lão trong làng


Các ông Ỉn được cung tiến bánh kẹo, tiền lẻ

Được đưa đi khắp làng trong sự trầm trồ tán thưởng của người dân




Tuy là một lễ hội "đẫm máu" nhưng hội chém lợn Ném Thượng vẫn mang đậm những nét văn hóa lúa nước


Hội cựu chiến binh cùng cờ Tổ Quốc và ảnh Bác Hồ dẫn đầu được rước


Vùng đất Ném Thượng ngày hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống

Hai năm nay, ban tổ chức đã phải trang bị hàng rào thép...


... nhưng vẫn không thể ngăn dòng người vào xem


Ông Ỉn chuẩn bị được hóa kiếp


Ông Tướng cờ - người được chọn phải đủ 55 tuổi, đầy đủ tài, đức


Ông Ỉn sẽ được chuẩn bị kỹ càng

... và được định vị vết chém trên lưng


Cờ hiệu đã nổi...


Hai ông thủ đao cùng đám tùy tùng đã sẵn sàng


Những nhát đao đầu tiên...


Sẽ khiến người xem phấn khích trong tiếng kêu thảm thiết của ông Ỉn


Sự phấn khích của người xem


... khi cả hai ông Ỉn đã được xẻ làm đôi


Và theo tục lệ, người ta lấy tiền lẽ thấm máu của hai ông

... mang về thờ để cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt


... Một người làng quá phấn khích
Những thế hệ tương lại của Ném Thượng sẽ tiếp nối những truyền thống của cha ông