Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Những kỳ bí khi chế tác pho tượng Phật Ngọc lớn nhất thế giới

Hôm nay 8-4 (18-3 âm lịch) diễn ra Lễ khánh thành Bảo tháp Phật Ngọc, tượng đài Quan Âm và tiến hành khởi công xây móng tượng Phật 49m bằng đá hoa cương có tên "Quốc Thái Dân An Phật Đài" (Việt Nam Hộ Quốc Phật Đài) tại Trúc Lâm Thiền Viện.

 Đại lễ có sự tham gia của đông đảo các tăng ni phật tử trong và ngoài nước với tinh thần "Đạo pháp và Dân tộc".

Tượng Phật Ngọc uy nghiêm đồ sộ nhất thế giới

Từ ý tưởng, muốn có một công trình ý nghĩa tôn vinh vị thế và vai trò của đạo Phật trong đời sống người dân đất Việt. Hội đá quý Việt Nam đã bàn bạc thống nhất cùng Sư Thầy, Thích Đại Đức, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, đi tìm đá quý tại Việt Nam để chế tác: Tượng Phật Ngọc Việt Nam.

Từ tháng 8 - 2009, ròng rã trong nhiều tháng trời, đoàn công tác gồm đại diện Hội Đá quý Việt Nam cùng các chuyên gia thẩm định đá quý, đã tỏa đi khắp các "vựa" đá quý trên mọi miền đất nước để tìm kiếm. Đến tháng 10-2009, sau nhiều ngày lao tâm khổ tứ, không quản ngại đường xá xa xôi hiểm trở, cuối cùng đoàn cũng đã tìm được mỏ đá quý Corindon (quý chỉ sau kim cương) có hàm lượng 80% đến 90% Saphia (tại xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), rất quý hiếm, rất ít nước trên thế giới có loại đá quý này. Vượt bao khó khăn trở ngại, 80 tấn đá quý đã được đưa về phục vụ chế tác Tượng Phật Ngọc Việt Nam.

Sau gần 2 năm kì công mài dũa tạo tác, pho tượng Phật Ngọc bằng đá Saphia, cao 3,45m, nặng 31 tấn đã được hoàn thành, trong sự ngỡ ngàng khâm phục của rất nhiều người. Đây cũng được xem là pho tượng Phật Ngọc mang "quốc hồn quốc túy" Việt Nam, thể hiện đầy đủ tinh thần phật giáo, từ bi hỉ xả, yêu chuộng hòa bình, cứu nhân độ thế, pháp tuệ vô biên. Pho tượng Phật Ngọc này, hiện đang được đặt trong Tòa bảo tháp xây dựng trên diện tích 200m², trên nền cổ tự hơn 200 năm trước Công nguyên, tại Trúc Lâm Thiền Viện (Tây Thiên - Vĩnh Phúc).




Tượng Phật Ngọc lớn nhất thế giới, do các nghệ nhân tài hoa của Việt Nam chế tác từ đá quý. Ảnh: Sỹ Hào


Những huyền bí…

Riêng việc tìm đá đã là một kỳ công mà những người trong cuộc cho rằng nếu không có đức Phật phù hộ độ trì sẽ không tìm thấy. Ròng rã nhiều tháng trời, nhiều toán nghệ nhân và chuyên gia đá quý đi khắp mọi miền đất nước để tìm đá quý làm tượng phật, nhưng… vô vọng. Bởi lẽ, tiêu chí đá làm tượng phải hoàn hảo, đá quý nguyên khối.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó Chủ tịch (PCT) Hội đá quý Việt Nam cho biết: "Đúng lúc mọi người tưởng chừng hết hi vọng, thì như một phép màu, tại xã Châu Thành, Quỳ Hợp, Nghệ An, chúng tôi phát hiện ra khối đá quý đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Khối đá này được Trung tâm ngọc VN xác định thuộc loại rất quý. Bởi lẽ, độ cứng chỉ sau Kim Cương, và thành phần Saphia chiếm tới 80 đến 90%, rất ít nước trên thế giới có loại đá này. Được biết, tại Nga cũng có một khối đá này, nhưng giá trị được tính bằng cách… đá nặng bao nhiêu thì cân nặng của vàng tương ứng bấy nhiêu".

Dù đoàn công tác tìm đá, trước đó đã làm thủ tục xin phép lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp, được giúp đỡ đưa khối đá quý này về để làm tượng Phật. Tuy nhiên lại vấp phải khó khăn khác, đó là việc bị người địa phương ngăn cản, họ lấy cả xe công nông ngăn giữa đường không cho đoàn công tác vào, khiến các thành viên phải xuống giải thích và trình bày thành ý của mình, người dân mới hiểu ra và cho họ vượt qua "ải" đó.




Ngày tiếp theo, lại có một một cô gái áo đỏ, nằm chắn ngang giữa đường, một lần nữa các thành viên lại phải trình bày rằng: lấy đá để làm tượng Phật, cho mọi người chiêm bái ngưỡng vọng, cô gái áo đỏ hiểu ra và vui vẻ cho đoàn công tác đi qua.

Chưa hết, đến hôm tiến hành đá lên xe thì đột nhiên trời đổ mưa giông tầm tã, như trút nước buộc các thành viên đoàn công tác phải tạm dừng công việc. Và vài hôm sau, sở TN&MT Nghệ An ra văn bản không cho phép lấy đá nữa. Họ buộc phải gặp lãnh đạo tỉnh để xin phép, và rồi cũng được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận. Sau đó, mọi người quyết định ngay hôm sau sẽ đem đá về, nhưng… không đơn giản.

Hôm sau, suốt cả một ngày, mọi người loay hoay mãi vẫn không tài nào đá lên xe được. Trời về chiều, mệt mỏi mọi người về nghỉ nhưng tất cả, phần vì lo lắng, phần vì hồi hộp nên trằn trọc cả đêm không ngủ.

"Nghĩ rằng có lẽ do chưa xin phép sơn thần, nên ngài chưa cho phép đem đá đi chẳng? Sáng hôm sau chúng tôi ra chợ sắm lễ vật, để tâu xin sơn thần. Sau đó tôi đại diện Hội đá quý Việt Nam thành tâm thắp hương cầu khẩn: Chúng tôi xin Sơn Thần cho phép lấy khối đá này về để làm tượng Phật, nếu ngài đồng ý, xin cho phép mọi người dùng tiến hành công việc. Ngược lại, nếu ngài không cho phép, chúng tôi xin hoàn trả khối đá này và không dám có ý kiến nào khác. Khấn xong tôi xin âm dương thì được ngay trong lần đầu tiên. Sự việc diễn ra có sự chứng kiến của hàng trăm dân bản, chúng tôi chia lộc cho họ và sau đó tiến hành công việc của mình. Kỳ lạ thay, khối đá ngày hôm qua chúng tôi loay hoay mãi không nhúc nhích, thì bây giờ được lên một cách rất nhẹ nhàng thuận lợi. Việc đó khiến tất cả những người chứng kiến sự việc không khỏi bất ngờ, mà không giải thích được cặn kẽ vì sao như vậy? Chúng tôi chỉ tin rằng, đó là do Đức Phật đã phù hộ độ trì" - Ông Nguyễn Văn Mỹ, PCT Hội đá quý Việt Nam nhớ lại.

Chiếc xe chở đá khá cồng kềnh, tải 80 tấn đá quý lộ thiên, theo đường HCM, qua nhiều trạm đăng kiểm, nhưng đều thuận lợi. Khoảng 18h chiều đoàn công tác về đến thành phố Vĩnh Yên, nhiều người ra đón, họ ôm chầm lấy các thành viên đoàn công tác, cảm động rơi lệ.

Bắt tay ngay vào làm tượng Phật, một toán nghệ nhân từ Đà Nẵng ra, suốt 2 tháng trời không làm được vì đá quá rắn (độ cứng 9, chỉ chịu thua Kim Cương ở cấp độ 10). Nhưng các thành viên Hội đá quý Việt Nam vẫn quyết tâm làm, thợ Đà Nẵng về, lại đón thợ ở TP. HCM ra, nhưng… họ cũng bó tay vì đá cứng. "Gánh nặng đổ dồn lên vai những nghệ nhân của Hội đá quý Việt Nam; họ chuyển đá từ Vĩnh Yên về Hà Nội, làm ngày làm đêm, không kể nắng mưa hay rét mướt. Nhờ Đức Phật phù hộ, gần năm tháng trời thì khánh thành pho tượng, kịp thời gian mừng Đại Lễ 1000 năm Thăng Long" - hai nghệ nhân Vương Ngọc Tiến và Hoàng Nam Hải nói.

Tượng Phật Ngọc được đưa lên Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, việc này lại xảy ra một việc mà những người chứng kiến đều cho là kỳ lạ. Đưa tượng lên xe, khoảng mấy chục phút sau, vừa kịp ngồi vào bàn ăn thì có người vào thông báo: "tượng phật đè chết người rồi", nhiều người hoảng quá không kịp ăn uống gì vội đi xem thực hư ra sao.

Số là, chở tượng phật qua cầu Thăng Long, do trên cầu có viên đá để giữa đường, một chiếc xe máy lao vào, khiến người điều khiển xe ngã ra đường. Vừa lúc đó chiếc xe chở tượng Phật Ngọc phóng tới, rất may đã kịp thời dừng trước anh lái xe đang nằm dưới đường phía trước, các bánh ô tô chừng 40cm.

"Việc này khiến mọi người càng tin tưởng rằng, Đức Phật từ bi vô hạn, chúng tôi tham gia chế tác tượng Phật Ngọc cũng thấy tinh thần phấn khởi, làm ăn phát đạt và đặc biệt sức khỏe mọi người đều rất tốt. Bản thân tôi đã ngót 80 tuổi rồi nhưng đến nay vẫn còn rất khỏe mạnh, tôi vừa đi khám sức khỏe định kỳ, và không ốm đau bệnh tật gì" - một lão nghệ nhân cho biết.

Đây cũng là pho tượng Đức Phật bằng đá quý lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Còn nhớ năm 2009 đông đảo tăng ni phật tử và người dân cả nước nô nức chiêm bái pho tượng Phật Ngọc nặng 5 tấn, lấy từ Ấn Độ đưa sang Thái Lan để chế tác, sau đó được rước qua các nước Thái Lan, Singapo, Việt Nam… lại không phải là đá nguyên khối mà được ghép từ 5 khối đá. Thì nay, pho tượng Phật Ngọc, uy nghiêm bề thế, do những nghệ nhân Việt Nam tài hoa chế tác từ đá quý nguyên khối; thực sự là một kiệt tác tầm vóc, tôn vinh vai trò vị thế và tinh thần Phật giáo Việt Nam. Rất đáng để chúng ta tự hào, ngưỡng mộ.

Đại lễ khánh thành diễn ra ngày 8 - 4 - 2012, với nhiều hoạt động. Bà con Phật tử gần xa đều có thể vân tập về Trúc Lâm Thiền Viện để tham dự. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét